Nhân câu chuyện Hy Lạp nhận được gói hỗ trợ thứ ba, tôi muốn bình luận đôi chút về chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà chúng ta vẫn thường nghe báo chí nhắc đến. Không cần đi vào chi tiết điều khoản cụ thể mà Hy Lạp phải nhượng bộ để nhận được gói cứu trợ, điều tôi quan tâm hơn là liệu chính sách này có khả năng áp dụng cho các quốc gia còn lại của Châu Âu hay thậm chí là ở Việt Nam hay không? Nên nhớ rằng ngoài Hy Lạp, các quốc gia khác trong khối EU vẫn đang phải đối mặt với nhiều bài toán kinh tế khó khăn. Hy Lạp là tấm gương “tối” để các nước thành viên trong khu vực tự kiểm điểm lại tình hình của quốc gia mình.

20150701070224-00

Đứng ở góc độ lịch sử, “thắt lưng buộc bụng” chưa bao giờ vực dậy được một nền kinh tế lớn. Và đương nhiên, EU là một nền kinh tế lớn. Trong thời kỳ khủng hoảng, tổng cầu của nền kinh tế sẽ giảm xuống. Nếu chúng ta nhìn lại định nghĩa tổng cầu (Total Demand):

Total Demand = C + I + G + X – M

C : Consumption (Chi tiêu tiêu dùng)

I  : Invesment (Đầu tư)

G : Government Spending (Chi tiêu công)

X – M : Net Export (Xuất khẩu – Nhập khẩu)

“Thắt lưng buộc bụng” chính là cắt giảm chi tiêu công (giảm G), điều này dẫn đến tổng cầu sẽ càng sụt giảm khiến nền kinh tế thu hẹp lại. Đây là điều đã từng xảy ra tại Tây Ban Nha năm 1979, tại Anh thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ hai 1976 – 1979, hay mới đây nhất vào năm 2009 tại Latvia.

Sau khi cuộc suy thoái toàn cầu bắt đầu cuối năm 2008, chính những chủ nợ EU, dẫn đầu là Thụy Điển đã gây sức ép cho chính phủ Latvia phải cắt giảm hơn 1 tỷ USD ngân sách năm 2010. Tuy tình trạng thất nghiệp có giảm từ hơn 20% vào đầu năm 2010, nhưng đến năm 2012, con số này vẫn cao ở mức 14.2%, nếu tính thêm những đối tượng “không muốn đi tìm việc” thì tỉ lệ này đạt tới gần 17%. Theo một thống kê vào tháng 12 năm 2011 của Eurostat (Cơ quan thống kê chính thức của EU), có đến 30.9% người dân Latvia thuộc diện nghèo khó  . Tính từ năm 2008 – 2013, gần 5% dân số Latvia, phần lớn là giới trẻ đã di cư sang các quốc gia khác. Không quá khó để dự đoán ảnh hưởng của chính sách “thắt lưng buộc bụng” vì có rất ít ví dụ của các quốc gia áp dụng giảm chi tiêu công mà vẫn đạt kết quả tốt.

ha-gia-dong-tien

Thông thường, khi kinh tế suy thoái, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu (giảm C). Hệ quả là các doanh nghiệp suy giảm doanh số dẫn đến cắt giảm đầu tư (giảm I). Toàn bộ chuỗi phản ứng kinh tế này sẽ ép nền kinh tế của quốc gia đó ngày một nhỏ lại. “Thắt lưng buộc bụng” thậm chí còn làm tình hình tệ hơn. Vậy điều kiện nào là tiên quyết để chính sách này đạt hiệu quả như mong đợi của các nhà hoạch định?

Câu trả lời chính là xuất siêu. Thặng dư tạo ra thông qua xuất khẩu sẽ bù đắp sự sụt giảm của đầu tư công. Nói một cách nào đó, nếu chúng ta chọn đúng đối tác thương mại chiến lược hoặc ít ra phải biết “chọn” đúng lúc để suy thoái, cơ hội vượt khủng hoảng thông qua xuất khẩu là khá cao. Khi bạn hàng chính của quốc gia đang tăng trưởng mạnh, kết hợp với việc hai bên không thỏa thuận một tỷ giá cố định, lời khuyên của tôi là hãy hạ giá đồng tiền mình xuống để tăng xuất khẩu.

Một vài ví dụ điển hình như Canada và Thụy Điển đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng nhờ xuất siêu trong những năm đầu thập niên 90. Nhưng tại EU hiện tại, chiến lược này khó phát huy hiệu quả. Những mặt hàng từ EU xuất khẩu chính yếu qua Hoa Kỳ. Trong khi đó, nước Mĩ cũng đang ra sức vực dậy nền kinh tế ì ạch phục hồi của mình thông qua hạ giá đồng tiền để tăng xuất khẩu.

that-lung-buoc-bung

Ở Việt Nam, phần chi tiêu công được đánh giá là khá lãng phí và cần được kiểm soát. Nhưng từ góc độ kinh tế, chỉ kiểm soát và cắt giảm đầu tư công sẽ không thể giải quyết vấn đề. Việt Nam vẫn cần lưu ý đến nâng cao chất lượng và kim ngạch xuất khẩu. Top 3 quốc gia nhập khẩu từ Việt Nam là Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Như đã nói ở trên, Mỹ đang vật lộn với nền kinh tế hậu suy thoái, Nhật vừa có một số dấu hiệu Abenomics đang mất dần nội lực còn Trung Quốc đã được dự báo tăng trưởng chậm lại. Tình hình này Việt Nam không được “chọn” thời điểm để khủng hoảng. Tuy vẫn còn nhiều rào cản, tôi vẫn hi vọng với tiềm năng ký kết hiệp định TPP và gia nhập khối cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở thêm cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Đây có lẽ là câu chuyện cho một ngày khác.

Nguyễn Khắc Việt Bách