Khởi nghiệp công nghệ – khó khăn là cơ hội để trưởng thành

Con đường phát triển của ticketbox.vn

Ý tưởng khởi nghiệp công nghệ đến với tôi, cũng như nhiều người trẻ khởi nghiệp khác, rất tự nhiên và đầy nhiệt huyết. Tôi bắt đầu thử sức với hai lĩnh vực mình đam mê và tự tin nhất – công nghệ và Internet. Tuy nhiên, con đường đến với thành công đã không hề dễ dàng như tôi nghĩ. Trải qua một khoảng thời gian, tuy chưa phải là dài, nhưng đủ để tôi đúc kết được một điều rằng, khi bạn cho ra đời một sản phẩm mới, thì bạn sẽ phải thay đổi và chỉnh sửa sản phẩm ấy ít nhất là 2-3 lần thì mới có thể thành công.

Như trường hợp của ticketbox, tiền thân là một ứng dụng kết nối (networking app), được ra đời vào năm 2011 khi tôi tham gia cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh” do công ty Emerald Consulting Ltd. và Startup.vn tài trợ tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Ticketbox là kết quả của 54 tiếng vừa lên ý tưởng, vừa viết kế hoạch kinh doanh và thiết kế sản phẩm mẫu. Kết thúc cuộc thi, ý tưởng của tôi đã được Ban giám khảo ủng hộ, động viên và trao giải. Tuy nhiên, khi tôi mang sản phẩm đến gặp các công ty tổ chức – những người hưởng lợi tiềm năng từ ứng dụng này thì kết quả lại không khả quan như tôi đã mong đợi. Sau 6 tháng tiếp tục kiên trì gặp gỡ các nhà tổ chức, tôi càng nhận ra rằng nhu cầu kết nối tài khoản Linkedin thật ra không nhiều như mình kỳ vọng và điều này có nghĩa là ý tưởng của tôi đã thất bại trong thực tế.

Vậy thì, tôi đã sai chỗ nào?

Tôi nhận ra mình chưa hiểu đúng nhu cầu của các đối tác khi thực hiện ý tưởng khởi nghiệp. Trước khi làm việc với họ, tôi tin rằng ý tưởng cung cấp một ứng dụng giúp người dùng định vị và kết nối tài khoản Linkedin của những người tham dự khác khi tham gia sự kiện sẽ trở thành selling point (điểm đắt giá/ điều mấu chốt), dẫn đến việc thu hút được nhiều người tham gia hơn. Tuy nhiên, các nhà tổ chức lại quan tâm đến điều hoàn toàn khác. Nỗi trăn trở chung của họ lại là làm sao bán được nhiều vé hơn và quảng bá sự kiện một cách tốt nhất. Lúc bấy giờ, ý tưởng của tôi không phát triển tiếp được vì nhu cầu của khách hàng quá thấp.

Nhận thấy tiềm năng của bán vé trực tuyến và tình hình thị trường lúc đó

Thực tế cho thấy, Việt Nam là nước phát triển rất nhanh về chỉ số tăng trưởng người dùng thiết bị điện tử để truy cập vào Internet, từ 12% lên đến 44% trong vòng một thập kỉ, góp phần không nhỏ vào vệc phát triển nhanh chóng của các dịch vụ trực tuyến, đặc biệt là thương mại điện tử trên nền tảng di động.

Theo thống kê từ Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin, nhu cầu lớn nhất trong mua sắm trực tuyến tại Việt Nam là thời trang, mỹ phẩm, đồ công nghệ và điện tử (đạt 60%), theo sau là đồ gia dụng và vé máy bay (34% và 25%). Ngoài ra, các thể loại vé bao gồm vé dịch vụ giải trí, sự kiện và tour du lịch chiếm khoảng 44%. Có thể thấy được rằng nhu cầu mua vé của mọi người là không nhỏ. Hơn nữa, Việt Nam chưa có công ty nào thật sự cung cấp được dịch vụ mua vé trực tuyến đồng nhất, nơi có thể cung cấp tất cả các loại vé khác nhau cho người tiêu dùng trong khi tại các nước bạn như Singapore, Mỹ và Anh, họ có ít nhất một hoặc hai trang bán vé chỉ tập trung vào bán các loại vé khác nhau cho khách hàng, khiến cho những người có nhu cầu tìm vé rất nhanh chóng và dễ dàng. Nhận thấy tiềm năng đó, tôi quyết định khởi nghiệp kinh doanh công nghệ bằng việc áp dụng mô hình trang web chuyên bán vé trực tuyến đã thành công ở các nước phát triển vào Việt Nam, nhanh tay chiếm lấy số lượng khách hàng có nhu cầu cho loại dịch vụ này nhằm đáp ứng đúng lúc nhu cầu cùa người tiêu dùng.

Hành trình đưa ticketbox.vn vào thực tế và những khó khăn không thể tránh khỏi

Ai cũng vậy, khi mà bạn có trong tay ba điều: tuổi trẻ, sự tự tin, và lòng đam mê, bạn sẽ nghĩ rằng mọi thứ đều có thể. Tuy nhiên, chặng đường khởi nghiệp công nghệ không bao giờ là dễ dàng. Đôi khi vì nhiều lý do, khách quan hay chủ quan, thất bại xảy ra có thể khiến họ chùn bước thực hiện giấc mơ của mình. Nhưng với tôi, những thành quả hiện nay đều có được từ thất bại của quá khứ. “Thất bại là mẹ thành công”, những sai sót, vấp ngã đã không làm tôi nản lòng. Ngược lại, tôi học hỏi từ những điều ấy và dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến của người xung quanh, đặc biệt là những khách hàng tiềm năng, cũng như quan sát thị trường và môi trường kinh tế cẩn thận để chuẩn bị tốt hơn.

Hiểu được nhu cầu chính yếu của khách hàng, tôi bắt tay vào xây dựng lại mô hình giải pháp của mình. Trang ticketbox.vn bắt nguồn từ lúc đó. Tôi nhận thấy, đối với sản phẩm công nghệ, với hiểu biết và nỗ lực của mình, tôi có khả năng thành công cao, nhưng điều cốt yếu là khả năng thấu hiểu nhu cầu và xây dựng niềm tin vào sản phẩm của khác hàng, giúp khách hàng hiểu được ưu thế trong giải pháp của mình so với phương thức truyền thống.

Trong suốt thời gian kết nối với khách hàng, khó khăn lớn nhất của tôi là các nhà tổ chức chưa sẵn sàng tiếp nhận một cách thức mới cho dù nhận thấy nó có phần hiện đại và thuận tiện hơn. Mọi người đều quen thuộc với phương pháp bán vé và tuyên truyền truyền thống là bán vé trước mấy ngày tại điểm tổ chức và quảng cáo trên TV, báo chí hoặc treo băng rôn trên đường. Phần lớn nhà tổ chức sự kiện vẫn còn tin vào hiệu quả của cách làm quen thuộc này. Trong khi đó, về phía ticketbox, khi chưa có một lượng giao dịch đủ thuyết phục để chứng tỏ hiệu quả của dịch vụ thì thật khó mà thuyết phục các công ty tổ chức trao quyền bán vé.

Song song đó là nhiều khó khăn khác trong quá trình xây dựng ticketbox khiến tôi không ít lần phải lao đao. Vấn đề đầu tiên, là tiền đâu. Đa số các nhà đầu tư tại Việt Nam chưa mấy quen với việc đầu tư vào công ty công nghệ. Họ cũng không am hiểu về công nghệ nhiều như ở các nước phát triển, nên việc định giá và đánh giá công ty chưa được thoả đáng, dẫn đến quyết định không đầu tư hoặc ra giá rất cao khiến công ty khó đạt được cam kết. Không để bài toán nguồn vốn nan giải cản trở niềm tin vào giải pháp của mình, tôi quyết định đầu tư bằng số tiền tích góp được sau vài năm đi làm. Tôi tin tưởng rằng, không có cách gì thuyết phục được khách hàng tốt hơn là một sản phẩm thực tế ngay trước mắt và những thành quả ban đầu, dù nhỏ nhưng thể hiện tiềm năng lớn. Tôi đã không cho phép mình bỏ cuộc vì sẽ lãng phí công sức bỏ ra và điều quan trọng nhất là mất đi niềm tin vào chính bản thân mình.

Khó khăn thứ hai mà tôi gặp phải đó là về nhân lực và quản trị. Khởi nghiệp kinh doanh không hề dễ dàng với rất nhiều người, kể cả những người có chung ý tưởng với mình. Thời gian đầu, doanh thu chưa nhiều khiến cho việc trả lương làm một vấn đề quá sức. Việc phát triển sản phẩm cũng gặp không ít khúc mắc, nên việc mọi người mất ý chí, dần chọn cho mình ngã rẻ khác ổn định hơn là điều không thể tránh khỏi. Lúc đó tôi rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn nghiêm trọng về nhân lực. May mắn thay, một số người cộng sự đắc lực vẫn quyết định ở lại. Họ thậm chí đề nghị làm việc không lương cho đến khi chúng tôi có doanh thu và coi như đó là khoản góp vốn cho ticketbox vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dù bị vây quanh bởi nhiều thử thách, nhưng với sự tin tưởng và đồng hành của những đồng nghiệp tuyệt vời, tôi càng không thể để ticketbox thất bại. Thật sự, nhiều lúc tôi gần như bị lạc lối, chỉ có thể cố tạo ra sản phẩm và nghĩ cách thuyết phục khách hàng chấp nhận ticketbox, chứ chưa thể tính tiếp sẽ vận hành và quảng bá ticketbox như thế nào. Sau một thời gian, chúng tôi quyết định hoàn thiện sản phẩm và tìm ra phương thức kinh doanh hiệu quả cho ticketbox.vn thông qua việc học hỏi thêm từ các mô hình thành công trên thế giới, gặp gỡ nhiều hơn, lắng nghe ý kiến của khách hàng và chú trọng đến thị trường kĩ hơn. Giờ đây nhìn lại, có lẽ tất cả những điều này đã giúp chúng tôi vượt qua được giai đoạn cam go đó.

Những thành quả bước đầu của ticketbox.vn thực sự là niềm tự hào của tôi và các đồng nghiệp. Ticketbox.vn hiện nay là nơi đầu tiên người tiêu dùng nghĩ đến nếu có nhu cầu mua vé sự kiện. Chưa đến 2 năm thành lập nhưng ticketbox.vn đã có một số kết quả khá ấn tượng. Tôi thật sự cảm thấy may mắn khi đã chứng minh được ý tưởng của mình và được làm việc chung với những cá nhân đầy nhiệt huyết.

‘’Tôi làm được thì các bạn cũng làm được’’ – Mike Trần

Người ta nói nếu làm công ăn lương chỉ làm 8 tiếng một ngày thì khi bắt tay vào làm start up – khởi nghiệp công nghệ , làm việc 14-16 tiếng một ngày là chuyện bình thường. Cộng thêm áp lực về vốn và thất bại – đó là những gì người làm start-up phải đối mặt mỗi ngày. Nếu không đam mê, không kiên nhẫn để vượt qua khó khăn và kiên trì theo đuổi thì chắc giờ này tôi đang không ở đây để chia sẻ với các bạn về niềm tự hào nhỏ – Ticketbox.vn của tôi. Hiện tại, ticketbox đang chuẩn bị cho việc mở rộng thị trường sang Thái Lan, con đường phát triển trước mắt còn dài nhưng khá rộng mở và nhiều cơ hội là một tín hiệu đáng mừng cho tập thể công ty và các nhà đầu tư. Niềm tin, sự kiên trì và cố gắng không ngừng nghỉ đã làm nên thành quả ngày hôm nay. Tôi tin rằng dù bạn là ai, bạn làm gì, ý tưởng bạn như thế nào, thì trong quá trình tôi luyện và phát triển, nếu bạn nhận ra và chấp nhận sai sót, khuyết điểm và tích cực thay đổi khi thất bại thì không gì là không thể làm được.

Trần Tuấn Anh

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Quỹ mở là gì? Có nên đầu tư quỹ mở? Các thông tin cơ bản

Hiện nay, bên cạnh các loại hình đầu tư sinh lời được nhiều người tin...

[Updated 2024] Các Quỹ đầu tư tại Việt Nam lớn và uy tín nhất

Hiện nay có khá nhiều người quan tâm tới đầu tư chứng khoán vì lợi...

Cách đầu tư tài chính cá nhân hiệu quả, an toàn nhất năm 2024

Nếu bạn đang có một số tiền nhàn rỗi, ngoài việc gửi tiết kiệm ngân...

Đầu tư gì với 100 triệu? 4 kênh đầu tư online sinh lời phổ biến

Nhiều người vẫn luôn thắc mắc liệu đầu tư gì với 100 triệu để thu...

Tìm hiểu 7 cấp độ đầu tư tài chính của Robert T.Kiyosaki

7 cấp độ đầu tư tài chính của Robert T.Kiyosaki giúp bạn biết về những...

Top 5 ứng dụng (app) đầu tư tài chính uy tín, lợi nhuận hấp dẫn

Một trong những cách kiếm tiền thụ động được quan tâm hàng đầu hiện nay...