Doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài là gì? Thủ tục thành lập ra sao?

Chuyên mục giải đáp thắc mắc

Hỏi : Thế nào là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài? Tôi có anh bạn người châu Phi ở Việt Nam cũng khoảng 3 năm. Tôi có chuyên môn, anh ấy có vốn. Chúng tôi định thành lập doanh nghiệp nhưng phát sinh vấn đề: Đây có được xem là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hay không? Thủ tục thành lập doanh nghiệp này có gì khác với doanh nghiệp nội địa hoàn toàn?

Đáp : Khái niệm doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thì không có định nghĩa chính xác trong luật Việt Nam mà chúng ta chỉ có khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” (có thể 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh).

Theo Điều 3, Mục 6 của Luật đầu tư 2005 thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là “doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc là doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại”. Vậy thì có thể hiểu ngắn gọn, nếu nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần mua 1% cổ phần hoặc vốn của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, xét theo Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đầu tư quy định, doanh nghiệp có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 49% áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện quy trình thủ tục đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài (tức được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Chính 2 quy định không đồng nhất này trong luật đã tạo ra nhiều khó khăn trong quá trình làm hồ sơ thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

 + Nếu anh bạn người nước ngoài của bạn đóng góp vốn vào, còn bạn lo chuyên môn thì như vậy có thể xem công ty này là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như phân tích ở trên đã nêu rõ rồi.

 + Thủ tục và quy trình thành lập đối với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài phức tạp hơn 100% vốn trong nước nhiều lắm. Cụ thể sẽ chia thành 2 trường hợp: đăng ký đầu tư & thẩm tra dự án đầu tư.

Bước 1: nộp hồ sơ ở Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tỉnh thành nơi công ty bạn đặt trụ sở chính.

Bước 2 (khi buộc phải thẩm tra dự án): dựa trên phạm vi, quy mô hoạt động và lĩnh vực kinh doanh mà Sở sẽ cân nhắc gửi hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến những cơ quan có liên quan để xin ý kiến. Sau khi tổng hợp các ý kiến từ nhiều bên, Sở sẽ gửi thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ (nếu có). Có khi họ sẽ bắt công ty bạn giải trình những vấn đề được yêu cầu làm rõ để xem xét lần cuối. Nếu thấy đủ điều kiện cấp phép thì Sở mới chuyển hồ sơ đăng ký lên UBND tỉnh thành tương ứng để nơi đây cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Lưu ý là trong vòng 4 ngày làm việc tính từ lúc gửi hồ sơ đi, công ty bạn cần đến cơ quan công an để nhận con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.

Bước 3: nếu mọi thứ suôn sẻ, bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đầu tư. Đây cũng được xem là chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp luôn.

Bước 4 (thủ tục sau khi được cấp phép): trong vòng 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận Giấy chứng nhận đầu tư, công ty bạn cần phải đến Cơ quan thuế để tiến hành thủ tục đăng ký thuế. Sau đó, công ty phải đăng thông tin thành lập doanh nghiệp trên mạng thông tin doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc chọn đăng trên báo giấy hay báo điện tử trong ba số liên tiếp. Một điểm cần chú ý là nếu công ty nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất thì Ban quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất sẽ hướng dẫn bạn thủ tục đầu tư để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp.

Hỏi : Thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài có được ưu đãi gì so với doanh nghiệp nội địa không?

Đáp : Được biết Việt Nam đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam. Theo quy định thì nước mình có miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các trường hợp sau:

  1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về nước để đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ được giảm 20% số thuế thu nhập phải nộp (áp dụng có điều kiện).
  1. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần giá trị của bằng sáng chế, quy trình công nghệ, dịch vụ, bí quyết kỹ thuật của các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định.
  1. Miễn thuế thu nhập cho những nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng phần vốn góp cho các công ty nhà nước hoặc các công ty mà nhà nước nắm cổ phần chi phối.
  1. Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho những nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng phần vốn góp cho các công ty Việt Nam khác.
  1. Sử dụng nhiều lao động nữ trong hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải được ưu tiên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức giảm tương ứng theo số tiền thực tế đã chi cho các lao động nữ (có điều kiện áp dụng). Phải có chứng từ và mức chi hợp lý theo quy định cho các khoản chi này.
  1. Hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài dùng thu nhập được chia để tái đầu tư với điều kiện: tái đầu tư vào lĩnh vực được khuyến khích đầu tư với vốn được dùng 3 năm trở lên và đã góp đủ vốn pháp định trong giấy phép.

Tỷ lệ hoàn thuế là 100%, 75%, 50% tương ứng với việc tái đầu tư vào những dự án được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, 15% trong 12 năm và 20% trong 10 năm.

Doanh nghiệp sau khi quyết toán với cơ quan thuế mà bị lỗ thì được trừ tiếp vào thu nhập chịu thuế của những năm sau đó. Thời gian chuyển lỗ không vượt quá 5 năm.

Làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tương đối phức tạp. Nếu bạn và đối tác không rõ và muốn làm nhanh thì có thể nhờ đến các văn phòng luật sư. Họ tư vấn và giải quyết cho mình từ A đến Z, mình chỉ cung cấp thông tin cần thiết là được. Thời gian khoảng 30 – 45 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ. Phí dịch vụ ước chừng khoảng từ 500 – 2000 USD.

Hỏi : Tôi và anh bạn đang cân nhắc chọn loại hình công ty là doanh nghiệp tư nhân vì nghe nói dạng công ty này có uy tín hơn các dạng công ty khác. Không biết như vậy thì ổn không?

Đáp : Trong các loại hình doanh nghiệp thì công ty tư nhân dễ điều hành nhất vì chỉ do một người làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chính người đó về mọi hoạt động của công ty. Ưu điểm dễ thấy là thủ tục thành lập đơn giản và chủ động trong việc điều hành công ty. Khuyết điểm là khi vướng phải nợ nần thì chủ doanh nghiệp phải trả hết các khoản nợ bằng chính tài sản cá nhân của mình, do doanh nghiệp tư nhân không giới hạn vốn như các loại hình công ty khác. Một điểm yếu khác là DNTN không có tư cách pháp nhân, đồng nghĩa với việc khó ký kết hợp đồng này nọ.

Khuyên bạn nên chọn mô hình công ty TNHH cho an toàn. DNTN không tách riêng tài sản doanh nghiệp với tài sản cá nhân của chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, DNTN chỉ có 1 người làm chủ, nếu để anh bạn châu Phi của bạn nắm quyền làm chủ thì rủi ro tài sản trong tương lai ảnh chịu hết. Còn bạn làm chủ thì công ty có vấn đề, bạn chịu, cũng rất mệt! Để đỡ đau đầu thì 2 người nên nhờ luật sư tư vấn cụ thể sẽ hợp lý hơn.

Đầu tư tích lũy Vinacapital

Gia tăng thu nhập cùng Timo

Quỹ đầu tư uy tín, chất lượng dịch vụ hàng đầu.

Đầu tư an toàn, đa dạng hóa rủi ro

Được hỗ trợ gần như hoàn toàn bởi các chuyên gia quản lí quỹ

Các giải pháp đầu tư hấp dẫn với giá trị đầu tư tối thiểu chỉ 2 triệu VND (Botton: Đầu tư sớm, lợi ích lớn)

ĐĂNG KÝ NGAY!