Khái niệm tín phiếu là gì vẫn còn gây thắc mắc cho nhiều người, đặc biệt rất dễ nhầm lẫn với trái phiếu. Trong bài viết dưới đây, Ngân hàng số Timo sẽ chia sẽ đến bạn các thông tin chi tiết liên quan đến chứng chỉ này, mục tiêu, quy định phát hành, phân loại cụ thể và cách phân biệt chính xác. Cùng tham khảo để hiểu rõ hơn nhé!
Tín phiếu là gì?
Tín phiếu là chứng chỉ ghi nhận khoản nợ được phát hành bởi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Nói cách khác đây là hình thức huy động vốn sử dụng chứng chỉ ghi nợ. Trong đó, quyền của chủ nợ, quyền hưởng lợi tức của người sở hữu cùng những nghĩa vụ tương ứng của bên phát hành đều đã được xác nhận. Thời hạn sử dụng tín phiếu tương đối ngắn, thường là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 1 năm.

Mục tiêu phát hành tín phiếu là gì?
Tín phiếu được phát hành nhằm mục đích huy động vốn. Đây là công cụ được sử dụng phổ biến bởi tính thanh khoản cao nhưng hạn chế rủi ro gặp phải.
Tín phiếu giúp Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tăng cường các chính sách về tiền tệ, giảm lạm phát và tăng lượng cung tiền ra thị trường. Ngoài ra, việc phát hành chứng chỉ này còn nhằm mục đích điều tiết, luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế, hạn chế thâm hụt ngân sách cũng như huy động nguồn vốn ngắn hạn cho các tổ chức tài chính phát triển.
Quy định về việc phát hành tín phiếu
Thông tư số 01/2021/TT-NHNN đã quy định rất rõ ràng về việc phát hành tín phiếu, các nhà đầu tư cần nắm rõ:
Đối tượng phát hành
- Ngân hàng thương mại.
- Chi nhánh các Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
- Các ngân hàng hợp tác xã.
- Các công ty và tổ chức tài chính.
- Đối tượng mua.
Đối tượng mua tín phiếu
- Công dân Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
- Tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng hoạt động tại Việt Nam.
Mệnh giá của tín phiếu
Tín phiếu được phát hành có mệnh giá 100.000 đồng hoặc là bội số của 100.000 đồng, được in sẵn hoặc theo thỏa thuận giữa đơn vị phát hành và đối tượng mua.
Các loại tín phiếu
Dưới đây là hai loại tín phiếu đang được phát hành:
Tín phiếu kho bạc
Đây là loại hình tín phiếu được Chính phủ phát hành thông qua Kho bạc nhà nước, nhằm mục đích cân bằng ngân sách, tạo điều kiện duy trì tính ổn định và phát triển của thị trường tài chính. Nguồn vốn huy động được sẽ bù đắp vào những thiếu hụt ngân sách trong ngắn hạn. Chính phủ có thêm nhiều phương thức để thanh toán khoản nợ, chẳng hạn như: in thêm tiền, tăng thuế,… đảm bảo thanh khoản đúng hạn. Do đó, tín phiếu kho bạc được coi là hình thức đầu tư ổn định, có tính thanh khoản tốt và ít rủi ro.
Một số đặc điểm chính của hình thức này gồm:
- Tín phiếu kho bạc nằm trong danh mục chứng khoán chiết khấu, giá bán thấp hơn mệnh giá. Chủ sở hữu sẽ không nhận được lãi mà nhận về mệnh giá sau thời gian đáo hạn. Lợi nhuận chính là phần chênh lệch giữa giá thực mua và mệnh giá tại thời điểm thanh toán.
- Tín phiếu kho bạc thường được phát hành bằng hình thức đấu giá, theo từng lô. Đối tượng mua tập trung vào các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và ngân hàng.
- Tín phiếu kho bạc được mua bán trao đổi nhiều trên thị trường tài chính, tính thanh khoản cao.
- Nhà nước sử dụng loại tín phiếu này để điều hành một số chính sách tiền tệ liên quan.
Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước
Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành nhằm đảm bảo các chính sách tiền tệ của các tổ chức tài chính ngân hàng được thực thi có hiệu quả. Quy định tại Điều 4, Thông tư số 16/2019/TT-NHNN như sau:
- Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước sẽ được phát hành cho các tổ chức tín dụng có tài khoản và hạch toán, thanh toán bằng đơn vị tiền tệ Việt Nam đồng tại Ngân hàng Nhà nước.
- Thời gian đáo hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định, không vượt quá 364 ngày.
- Mệnh giá tín phiếu tối thiểu là 100.000 đồng hoặc bội số của 100.000 đồng.
- Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành theo hình thức ghi sổ nợ.
- Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định lãi suất chi trả, tự động điều chỉnh tùy thuộc vào mục tiêu chính sách tiền tệ cũng như diễn biến thị trường kinh tế tài chính.
- Nhà đầu tư sẽ mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với giá thấp hơn mệnh giá, đồng thời nhận lại mệnh giá tại thời điểm đáo hạn. Phần chênh lệch là lãi suất nhận được.
- Đối tượng sở hữu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước khó trao đổi, mua bán hoặc cầm cố, thay vào đó sẽ giữ cho đến thời điểm đáo hạn.
- Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ cho đối tượng nhà đầu tư vào tài khoản chỉ định bởi Ngân hàng Nhà nước.
Phân biệt tín phiếu và trái phiếu
Điểm khác biệt giữa trái phiếu và tín phiếu là gì? Dưới đây là một số so sánh bạn có thể tham khảo:
- Tín phiếu có thời gian đáo hạn dưới 1 năm, trái phiếu có thời gian dài hơn, từ 1 – 5 năm.
- Lãi suất tín phiếu thường rất thấp, trong khi đó lãi suất trái phiếu hấp dẫn hơn, dao động từ 8 – 12% tùy thuộc vào đơn vị phát hành.
- Tín phiếu có độ rủi ro thấp, gần như bằng 0, trong khi đó trái phiếu có độ rủi ro cao hơn, ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư nếu doanh nghiệp phát hành bị phá sản.
- Đối tượng sở hữu tín phiếu kho bạc hoặc tín phiếu Ngân hàng nhà nước thường là các tổ chức, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính. Đối tượng sở hữu trái phiếu là bất kỳ cá nhân nào bên cạnh tổ chức.
- Đối tượng phát hành tín phiếu là Chính phủ hoặc ngân hàng Nhà nước, đối tượng phát trái phiếu là chính phủ, doanh nghiệp hoặc ngân hàng.

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin hữu ích giải đáp thắc mắc tín phiếu là gì, mục tiêu, quy định phát hành và các loại tín phiếu đang được sử dụng hiện nay. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều cập nhật chi tiết về loại chứng chỉ này. Để theo dõi nhiều kiến thức mới liên quan đến tài chính – ngân hàng, truy cập vào website của Ngân hàng số Timo nhé!