Room tín dụng ngân hàng là gì?

Hầu hết những ai quan tâm đến các gói tín dụng hoặc khoản vay tại các tổ chức tài chính cũng đã từng nghe qua về khái niệm room tín dụng. Đây là một thuật ngữ quen thuộc đối với những người làm trong ngành ngân hàng. Vậy room tín dụng ngân hàng là gì và tác động của nới room tín dụng ngân hàng ra sao? Hãy đọc bài viết dưới đây của ngân hàng số Timo để tìm hiểu về room tín dụng ngân hàng.

Xem thêm:

Room tín dụng ngân hàng là gì?

Trong lĩnh vực ngân hàng, “room tín dụng” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ hạn mức/giới hạn cho vay của một ngân hàng. Vào mỗi đầu năm, ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ công bố room tín dụng cho toàn ngành để quy định mức tăng trưởng tín dụng tối đa. Chẳng hạn vào năm 2011, khi nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của tình trạng lạm phát cao đột biến trong nhiều năm, room tín dụng được triển khai nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng này và nó được áp dụng cho đến hiện tại.

Tùy vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng, bao gồm hiệu quả quản lý tín dụng và chất lượng tín dụng, NHNN sẽ phân phối tỷ lệ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước dựa trên mức tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. 

Ví dụ: Giả sử đầu năm 2023, hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng A là 8%. Ngân hàng A có quy mô tín dụng là 50.000 tỷ đồng. Vậy trong năm 2023, ngân hàng A sẽ được cấp mức tín dụng tối đa là: 50.000 x 108% = 54.000 tỷ đồng.

Room tín dụng ngân hàng là gì?
Định nghĩa và ví dụ về room tín dụng ngân hàng (Nguồn: Internet)

Lý do Ngân hàng nhà nước phải quy định hạn mức room tín dụng?

Ngân hàng nhà nước phải quy định hạn mức room tín dụng bởi vì 2 lý do chính là kiểm soát sự tăng trưởng và chất lượng của tín dụng cho cả hệ thống ngân hàng. Đây là 2 mục tiêu phải luôn được đảm bảo đồng thời và song hành với nhau.

  • Kiểm soát và đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng

Tại Việt Nam, trước khi áp dụng hạn mức room tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nhanh và đã từng đạt mức rất cao, lên tới 30-50%. Tốc độ này vượt quá khả năng quản trị của các Ngân hàng Thương mại, gây ra nhiều hệ lụy cho ngành tài chính như thiếu cân đối vốn, lạm phát và rủi ro thanh toán. Vì vậy, việc quy định room tín dụng là cần thiết để xác định một giới hạn an toàn cho việc cấp tín dụng của các ngân hàng, tránh gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm
Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2022 (Nguồn: Internet)
  • Kiểm soát và đảm bảo chất lượng tín dụng của các ngân hàng

NHNN quy định hạn mức tín dụng nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Một hạn mức room tín dụng phù hợp sẽ giúp các ngân hàng duy trì một quỹ tín dụng lành mạnh, cân đối giữa khả năng cho vay và nhu cầu tín dụng.

Việc quản lý chất lượng tín dụng là rất quan trọng để đảm bảo rằng các khoản vay được cấp cho các cá nhân và tổ chức có khả năng trả nợ. Nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ nợ xấu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và hoạt động của ngành ngân hàng.

Hết room tín dụng là gì?

Hết room tín dụng (hay còn gọi là cạn room tín dụng) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ tình huống khi ngân hàng đã sử dụng hết giới hạn tín dụng được quy định trước đó bởi NHNN và không thể tiếp tục cho vay. Khi đó, các cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu vay tiền có thể gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngân hàng.

Như đã đề cập, tỷ lệ phân bổ room tín dụng được xác định dựa trên sức khỏe tài chính và hiệu quả quản lý tín dụng của một ngân hàng. Nếu một ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước hoặc thấp hơn các ngân hàng khác trong hệ thống, điều này cho thấy rủi ro tài chính của ngân hàng đó đã cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong quá khứ.

Nới room tín dụng là gì?

Khi một NHTM hết room tín dụng, họ không thể cấp cho khách hàng vay nữa. Lúc đó, các NHTM có thể yêu cầu NHNN nới room tín dụng. Việc này sẽ phụ thuộc vào kết quả rà soát và kiểm tra của NHNN. Nếu được chấp thuận, NHTM có thể cho vay vượt quá giới hạn tín dụng được quy định. 

Vậy, có thể hiểu đơn giản nới room tín dụng ngân hàng là việc NHNN tăng mức giới hạn cho vay của NHTM. Điều này được coi là một tín hiệu tích cực cho các lĩnh vực bất động sản và chứng khoán bởi vì cơ hội phát triển của họ sẽ lớn hơn, có cơ hội phục hồi lại sau giai đoạn lợi nhuận bị suy thoái.

Tuy nhiên, không phải NHTM nào cũng được nới room tín dụng với hạn mức giống nhau. NHNN sẽ phân bổ room tín dụng dựa trên nhiều yếu tố như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), năng lực quản trị rủi ro dựa trên tiêu chuẩn Basel II, Basel III,… Do đó, những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn và chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả như Techcombank, TPBank, MB Bank, Vietcombank,… thường được cấp mức hạn mức tín dụng cao hơn để phù hợp với nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Tác động của nới room tín dụng ngân hàng

Nới room tín dụng ngân hàng có thể gây ra những tác động như sau:

  • Tăng khả năng vay vốn: Nếu ngân hàng được nới room tín dụng, nghĩa là họ sẽ cho vay tiền nhiều hơn. Điều này có thể giúp các cá nhân và doanh nghiệp tăng khả năng vay vốn để đầu tư và mở rộng kinh doanh.
  • Tăng nhu cầu tiêu dùng: Khi vay được nhiều tiền, người tiêu dùng sẽ dễ dàng chi tiêu nhiều hơn. Do đó, nới rộng tín dụng có thể giúp tăng nhu cầu tiêu dùng và kích thích tăng trưởng kinh tế.
  • Tăng lạm phát: Tuy nhiên, nới rộng tín dụng cũng có thể dẫn đến tình trạng lạm phát. Khi có quá nhiều tiền trong nền kinh tế, giá cả sẽ tăng cao do sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và mức sống của người dân.
  • Tăng rủi ro tín dụng: Nếu ngân hàng cho vay quá nhiều tiền, đồng nghĩa với việc tăng rủi ro tín dụng. Nếu các khoản vay không được trả đúng hạn, ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro tín dụng cao và ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của họ.

Cập nhật room tín dụng mới của các ngân hàng

Theo báo cáo ngành ngân hàng được công bố vào ngày 6/10/2022 của VnDirect, có khoảng 18 ngân hàng thương mại đã được NHNN nới room tín dụng. 

“Ngân hàng Nhà nước đã tăng thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong đầu tháng 9 vừa qua.

Nhìn chung, trong đợt cấp tín dụng này, NHNN đã ưu tiên các NHTM có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao – đơn cử như ngân hàng MB, HDBank, VIB, Agribank…” – Trích dẫn

Dưới đây là bảng danh sách chi tiết về các NHTM được nới room tín dụng và tỷ lệ hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng:

Room tín dụng mới của từng ngân hàng
Room tín dụng mới của từng ngân hàng (Nguồn: VnDirect)

Vừa rồi là những chia sẻ và tổng hợp của Ngân hàng số Timo về room tín dụng ngân hàng. Hy vọng với những thông tin trên, bạn có thể có cái nhìn tổng quan hơn về ngành ngân hàng cũng như hiểu biết hơn trong việc vay vốn tiêu dùng hoặc đầu tư kinh doanh. Hãy truy cập Timo ngay hôm nay để cập nhật thêm nhiều tin tức và kiến thức mới nhất về tài chính và ngân hàng, giúp bạn ra quyết định tài chính đúng đắn hơn.