Hướng phát triển chủ đạo của các thị trường trong năm 2016 là gì?

2016 đã tạm thời tự chứng minh nó sẽ là một năm thú vị trong ngành đầu tư

Sau một kỳ nghỉ lễ dài tại các nước phương Tây, ngày giao dịch đầu tiên trên toàn thế giới (4/1) diễn ra hết sức thú vị. Sau sự cố hành quyết Nimr, một lãnh tụ người Shitte tại Arab Saudi, người Iran đã nổi giận và tấn công Đại Sứ Quán Arab Saudi tại Tehran làm Arab Saudi, Bahrain, và Sudan lập tức tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Iran giữa bối cảnh địa chính trị hết sức phức tạp ở Trung Đông. Nhà đầu tư tại Trung Quốc bán mạnh cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu năm mới (giảm 7% tại Shanghai Shenzhen CSI 300 và 3.9% tại Shanghai Composite) sau khi có tin đồn chính phủ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán cổ phiếu được ban hành để kìm hãm đà giảm điểm mạnh của thị trường nước này vào cuối năm ngoái. Thị trường Châu Âu giảm từ 3-4% trên các index cổ phiếu của các nước lớn và có ngày giao dịch đầu năm tồi tệ nhất trong lịch sử. Thị trường Mỹ có khởi đầu giao dịch trong ngày đầu năm mới tồi tệ nhất trong 84 năm trở lại, tuy nhiên thị trường đã phục hồi tương đối vào cuối ngày.
Chỉ riêng khu vực Trung Đông, hiện nay đã có nhiều sự kiện có mức độ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn cầu: (1) Nội chiến Syria và (2) ISIS, dẫn đến (3) Khủng bố ở Châu Âu, (4) Sự lo sợ và dịch chuyển tư duy chính trị sang trường phái cực hữu ở các nước phương Tây, (5) Khủng hoảng người tỵ nạn Syria, (6) Xung đột giữa Mỹ-Nga tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông như một chiến trường mới sau khủng hoảng Crimea, (7) Xung đột giữa khối Arab và Iran như một biểu tượng xung đột giữa những người Hồi giáo dòng Shitte và dòng Sunni trong bối cảnh giá dầu thấp lịch sử, (8) Xung đột kinh tế/ngoại giao giữa Nga-Thỗ Nhĩ Kỳ. Chưa kể đến các xung đột truyền thống và các rủi ro khác như Israel-Palestine, xung đột biên giới Trung Quốc-Ấn Độ ở phía đông. Ngoài khu vực Trung Đông, Trung Quốc đang tiếp tục vừa tăng mức độ ảnh hưởng địa chính trị lên Châu Á (Biển Đông, Hong-Kong, Đài Loan) và Châu Phi (vừa đạt được thỏa thuận với Zimbawe sử dụng Nhân Dân Tệ làm đồng tiền giao dịch chính thức) vừa phải đối đầu với rủi ro kinh tế suy giảm ngày một hiển hiện hơn và có thể trở thành ngòi nổ tiếp theo cho một đợt khủng hoảng có tầm vóc toàn cầu và có thể dẫn theo nhiều sự chuyển biến về địa chính trị tại khu vực Châu Á. Triều Tiên vừa tuyên bố thử thành công Bom Hạt Nhân (ngày 6/1), đẩy rủi ro về xung đột tiềm năng giữa nước này với Hàn Quốc và các nước Đông Á lên một tầm vóc mới. Ngoài ra, có thể kể thêm chia rẽ giữa Nga-Phương Tây và rủi ro khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại Brazil.

Với tình hình phát triển toàn cầu như vậy, hướng phát triển chủ đạo của các thị trường trong năm 2016 là gì?
Câu trả lời là: Tôi-không-biết.
Tôi theo đuổi một cách tư duy trong đó 40% tin vào việc có thể tạo ra được alpha (chênh lệch lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận có được từ đầu tư đa dạng theo index, đến từ việc chọn thời điểm đầu tư tốt hơn hoặc/và việc chọn cổ phiếu/thị trường tốt hơn một cách có hệ thống và 60% tin vào tính không chắc chắn (uncertainty) và ngẫu nhiên (randomness) mà học thuyết kinh tế thị trường hiệu quả (Efficient Market Hypothesis, học thuyết kinh tế chủ đạo của giới học thuật tại các nước Phương Tây được dẫn dắt bởi trường đại học Chicago) cố gắng chứng minh. Trường phái Tôi-không-biết (I don’t know school of thought) là một nhánh tư duy được ảnh hưởng bởi học thuyết thị trường hiệu quả, tuy nhiên có một số hàm ý quan trọng cho nhà đầu tư mang tính thực tế hơn so với việc áp dụng tư duy hoàn toàn theo học thuyết thị trường hiệu quả.

Một, trường phái Tôi-Không-Biết tạo cho nhà đầu tư một khoảng không về tâm lý lớn hơn với những người theo trường phái Tôi-Biết (I-Know school of thought) về việc chấp nhận tương lai có thể đến với bất kỳ sự kiện nào và không cố gắng áp đặt tư duy chủ quan của mình lên các sự kiện khách quan của thị trường khi nó đến. Việc này tạo một tâm thế thoải mái hơn và khiêm tốn hơn, từ đó đương đầu được những rủi ro bất ngờ tốt hơn so với những nhà đầu tư theo trường phái Tôi-Biết. Nếu tôi chắc chắn rằng gửi tiền vào ngân hàng A được lãi suất 10% và gửi tiền vào ngân hàng B được lãi suất 11%, không có rủi ro ngân hàng phá sản và bất kỳ rủi ro khác, chắc chắn tôi sẽ gửi 100% tiền của mình vào ngân hàng B. Ví dụ này đại diện cho tư duy của Tôi-Biết. Và trong ví dụ này, không có tính không chắc chắn. Giả sử tôi đứng trước các cơ hội (1) có thể đầu tư vào cổ phiếu A với kỳ vọng lợi nhuận 25%/năm, (2) đầu tư Thiên Thần (angel investment) cho một nhóm bạn (bạn lớn tuổi, ai cũng đã học xong PhD) làm tên lửa bay đến Sao Thủy và (3) mua trái phiếu chính phủ Mông Cổ mới phát hành lần đầu ra thế giới, quyết định phân bổ nguồn vốn như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá chủ quan của tôi trong việc tương lai sẽ phát triển ra sao. Cổ phiếu A có thể chỉ đạt lợi nhuận 5% do Nga hờn giận Kazakhstan và ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của A vào thị trường Kazakhstan. Nhóm bạn làm tên lửa có thể tạo ra một tên lửa to hơn sau 10 thất bại trước đó và có thể bay đến cả Sao Mộc thay vì chỉ là sao Thủy. Chính phủ Mông Cổ có thể quỵt nợ của các nhà đầu tư quốc tế sau khi con cháu của Thành Cát Tư Hãn thắng một cuộc bầu cử lịch sử và quyết định tuyệt giao với kinh tế toàn cầu và xây dựng lại đại quân kỵ binh để tấn công Triều Tiên. Riêng với 3 cơ hội đầu tư này, tôi cũng đã thấy không biết tương lai sẽ phát triển như thế nào một cách chắc chắn, huống hồ gì nghĩ đến sự phát triển phức tạp hiện nay của kinh tế thế giới. Do đó chấp nhận Tôi-Không-Biết nhìn chung sẽ làm nhà đầu tư đầu tư khôn ngoan hơn và tránh được xung đột trong quá trình ra quyết định, do quá lưỡng lự hoặc quá liều lĩnh, của những nhà đầu tư theo trường phái Tôi-Biết.

Hai, trường phái Tôi-Không-Biết dẫn đến kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn do độ lớn của mỗi khoản phân bổ nhỏ hơn so với trường phái đầu tư tập trung. Do chủ động chấp nhận thị trường là không thể nắm bắt một cách tuyệt đối, những nhà đầu tư theo trường phái Tôi-Không-Biết chủ động phát triển một cơ chế đầu tư phòng vệ (defensive investing) để đối diện với các sự kiện đặc biệt hiếm gặp và cực kỳ rủi ro mà hệ thống đem lại. Nhìn chung, những nhà đầu tư theo trường phái này sẽ trung hòa giữa những năm tốt (lợi tức sẽ không tốt bằng những nhà đầu tư “aggressive” trong những năm tốt) và những năm xấu (lợi tức sẽ tốt hơn những nhà đầu tư “aggressive” trong những năm xấu). Nhưng khi các sự kiện hiếm gặp và cực kỳ rủi ro xảy ra, có khả năng đe dọa đến sinh tồn của các nhà đầu tư, những nhà đầu tư theo trường phái Tôi-Không-Biết tin rằng tính nhất quán sẽ đem lại lợi nhuận vượt trội theo thời gian dài. Ở đây, tính nhất quán (consistency) có nghĩa là nhất quán trong quá trình ra quyết định và chiến lược đầu tư, bất kể điều kiện thị trường như thế nào – ví dụ đặc trưng cho tính nhất quán này là chiến lược đầu tư giá trị (value investing) tập trung vào việc định giá trị thật của công ty (intrinsic value), so sánh với giá trên thị trường, nếu giá trị thật thấp hơn giá thì nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị sẽ bắt đầu mua vào chứ không cố gắng chọn điểm thấp nhất của thị trường để mua (bắt đáy). Do đó, sau khi mua không có nghĩa là công ty có giá trị được định giá thấp sẽ lên giá ngay mà cần có thời gian đủ dài để giá trị và giá đi lại gần nhau. Dài có nghĩa là vài năm cho đến có thể hơn 10 năm. Góc nhìn này có thể so sánh lợi nhuận của Warren Buffett với các quỹ đầu tư Phòng Vệ (Hedge Funds), hiếm khi nào Warren Buffett là nhà đầu tư lợi nhuận cao nhất trong một năm bất kỳ nào, tuy nhiên trong 20 năm, 30 năm, hiếm có quỹ đầu tư Phòng Vệ nào tổng hợp được mức lợi nhuận tích lũy với mức rủi ro thấp như Warren Buffett làm được. Lý do là quỹ đầu tư nào kiếm được lơi nhuận lớn (vd 45%/năm) đến từ đầu tư “aggressive” thường sẽ bị gia tăng khả năng hứng chịu rủi ro (expose) khi các sự kiện hiếm gặp và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, thường là trong khủng hoảng.

doc-bai-viet-huong-phat-trien-cua-thi-truong-2016
Quay trở lại câu hỏi, hướng phát triển chủ đạo của các thị trường trong năm 2016 là gì? Tôi nghĩ có một câu trả lời tuyệt vời cho câu hỏi đó (mà tôi tin chắc sẽ luôn đúng dù có thay đổi 2016 thành 2026 hay 2036), đó là: tính Không Chắc Chắn. Tính không chắc chắn là hướng phát triển thật sự chủ đạo mà tôi cảm nhận được thị trường qua các năm từ khi tham gia vào ngành tài chính đến nay. Mỗi năm mức độ không chắc chắn càng tăng lên, dẫn đến niềm tin ngày một lớn của tôi vào việc đầu tư theo trường phái phòng thủ và quản lý rủi ro chặt chẽ sẽ dẫn đến kết quả về dài hạn nhìn chung là tốt hơn so với đầu tư “aggressive”. Tất nhiên sẽ có những lúc nhà đầu tư sẽ cảm nhận mạnh mẽ về một hướng phát triển của thị trường và sẽ có lúc nhà đầu tư quyết định “Be Aggressive”, dù về bản chất nhà đầu tư đó theo trường phái Tôi-Không-Biết. Tuy nhiên, những nhà đầu tư theo trường phái Tôi-Không-Biết sẽ vẫn sẽ luôn đề phòng rủi ro một cách chủ động hơn dù họ đã chuyển từ “defensive” sang “aggressive”. Trong trường hợp thị trường biến động bất lợi, có lẽ họ sẽ xử lý được các rủi ro mang tính sinh tồn tốt hơn và quan trọng là điềm tĩnh hơn khi thế giới quan của họ luôn có một khoảng không gian lớn để đối diện với các rủi ro mang tính chất như vậy.

Tôn Thất Huệ Trí

Đọc bài viết khác của tác giả: Điều gì quan trọng nhất với một nhà đầu tư

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Quỹ mở là gì? Có nên đầu tư quỹ mở? Các thông tin cơ bản

Hiện nay, bên cạnh các loại hình đầu tư sinh lời được nhiều người tin...

[Updated 2024] Các Quỹ đầu tư tại Việt Nam lớn và uy tín nhất

Hiện nay có khá nhiều người quan tâm tới đầu tư chứng khoán vì lợi...

Cách đầu tư tài chính cá nhân hiệu quả, an toàn nhất năm 2024

Nếu bạn đang có một số tiền nhàn rỗi, ngoài việc gửi tiết kiệm ngân...

Đầu tư gì với 100 triệu? 4 kênh đầu tư online sinh lời phổ biến

Nhiều người vẫn luôn thắc mắc liệu đầu tư gì với 100 triệu để thu...

Tìm hiểu 7 cấp độ đầu tư tài chính của Robert T.Kiyosaki

7 cấp độ đầu tư tài chính của Robert T.Kiyosaki giúp bạn biết về những...

Top 5 ứng dụng (app) đầu tư tài chính uy tín, lợi nhuận hấp dẫn

Một trong những cách kiếm tiền thụ động được quan tâm hàng đầu hiện nay...