Với sự phát triển của thương mại điện tử và trao đổi hàng hoá, giao dịch qua mạng, việc sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Điều này mở ra nhiều cơ hội và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi kẻ gian lợi dụng các lỗ hổng trong bảo mật của ngân hàng để thực hiện các hình thức lừa đảo rất tinh vi. Vậy làm thế nào để phòng ngừa và xử lý khi bị lừa đảo qua tài khoản ngân hàng. Hãy cùng Ngân hàng số Timo tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
>> Xem thêm: Xu hướng thanh toán trực tuyến hiện nay như thế nào?
Hậu quả của việc bị lừa đảo qua tài khoản ngân hàng
Bị lừa đảo qua tài khoản ngân hàng có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng sau đây:
- Mất tiền trong tài khoản: Kẻ gian có thể truy cập bất hợp pháp và rút sạch tiền trong tài khoản của bạn. Điều này dẫn đến những mất mát tài chính không mong muốn, làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày và ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính trong tương lai.
- Mất thông tin cá nhân: Kẻ lừa đảo có thể thu thập được một số thông tin nhạy cảm của khách hàng: chứng minh nhân dân, số tài khoản, số CVV,… Từ đó, sử dụng các thông tin trên để thực hiện các giao dịch tài chính giả mạo hoặc mở các tài khoản tín dụng không hợp pháp.
- Mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng: Khi bạn trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, bạn sẽ nhanh chóng xuất hiện trạng thái căng thẳng và cảm thấy thiếu tin tưởng với hệ thống bảo mật của ngân hàng đó. Bạn lo lắng rằng thông tin cá nhân của mình có thể bị lợi dụng hoặc bị đánh cắp một lần nữa, không thể đảm bảo an toàn cho số tiền trong tài khoản. Trong một số trường hợp, người bị lừa có thể cảm thấy rằng họ không nhận được sự hỗ trợ đáng tin cậy từ phía ngân hàng và chọn một ngân hàng khác có dịch vụ tốt hơn.

Các hình thức lừa đảo qua tài khoản ngân hàng phổ biến
Phishing email và website giả mạo
Phishing email là một hình thức tấn công mạng mà tin tặc giả mạo thành các tổ chức, doanh nghiệp hoặc ngân hàng uy tín để lừa đảo người dùng cung cấp các thông tin nhạy cảm như: tên đăng nhập, số thẻ tín dụng,… nhằm mục đích thực hiện các giao dịch trái phép. Phishing email thường được thiết kế giống tới 99% so với email thật từ tổ chức, bao gồm cả logo, màu sắc và cấu trúc. Nội dung email thường có yêu cầu khẩn cấp hoặc thông báo về sự cố bảo mật và đề nghị người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân hoặc nhấp vào liên kết để đăng nhập.
Ngoài ra trên thực tế, một số cuộc tấn công Phishing chỉ tập trung vào việc giả mạo một trang Landing page thay vì giả mạo toàn bộ website. Họ thậm chí có thể giả mạo chứng chỉ SSL để tạo ra sự tin tưởng rằng trang web giả mạo là an toàn và bảo mật. Điều này có thể khiến người dùng tin rằng họ đang truy cập vào trang web chính thức. Do đó, bạn nên kiểm tra tính xác thực của URL và chỉ sử dụng các liên kết từ nguồn đáng tin cậy.

Tin nhắn giả mạo từ ngân hàng
Những năm gần đây, các tin nhắn giả mạo từ ngân hàng xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc điểm chung của những tin nhắn này đều đánh vào tâm lý lo sợ mất tiền và mất tài khoản của người dùng. Chúng ta có thể bắt gặp những tin nhắn có nội dung như: “Tài khoản của bạn được phát hiện kích hoạt trên thiết bị lạ” hay “Bạn vừa thực hiện một giao dịch với số tiền xxx”. Để kiểm tra tình trạng tài khoản, khách hàng cần phải đăng nhập vào một đường link gửi kèm. Sau khi thực hiện theo những hướng dẫn này, người dùng sẽ bị chiếm đoạt toàn bộ tài sản hoặc mất quyền kiểm soát tài khoản.
Đánh cắp thông tin cá nhân qua các trang web độc hại
Đây cũng là một trong những hình thức lừa đảo tinh vi mà bạn cần lưu ý. Kẻ tấn công có thể tạo ra các trang web giả mạo hoặc lợi dụng lỗ hổng trong mã nguồn của một trang web để khai thác và cài đặt các mã độc. Những mã độc này có khả năng thu thập toàn bộ thông tin của người dùng khi họ truy cập. Một số hacker lợi dụng những thông tin này để tống tiền hoặc thực hiện một số hành vi lừa đảo khác.
Đánh cắp thông tin thẻ ATM, tài khoản ngân hàng qua các thiết bị gián điệp
Kẻ gian có thể cài đặt các thiết bị giám sát trong khu vực gần máy ATM hoặc bàn giao dịch để thu thập thông tin như mã PIN và hình ảnh của người dùng khi họ sử dụng thẻ. Camera này thậm chí còn được giấu trong hộp đựng biên lai gần đó. Vậy nên, hãy lập tức ngừng thực hiện giao dịch nếu bạn phát hiện những dấu hiệu bất thường như: Nhập PIN cảm giác có khoảng trống phía dưới, có vệt băng dính quanh đầu đọc thẻ,… và liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ.

Có lấy lại được tiền chuyển nhầm do bị lừa đảo không?
Việc lấy lại tiền chuyển nhầm do bị lừa đảo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại giao dịch và thời gian bạn phát hiện ra sự việc. Hơn nữa, việc lấy lại tiền không phải lúc nào cũng dễ dàng và đảm bảo thành công. Quá trình giải quyết có thể mất thời gian tuỳ vào chính sách và quy định của ngân hàng hoặc dịch vụ thanh toán. Vậy nên ngay khi bạn nhận ra việc chuyển tiền nhầm do bị lừa đảo, hãy liên hệ với ngân hàng để khoá thẻ và được hướng dẫn về quy trình giải quyết vụ việc.
>> Xem thêm: Cách lấy lại tiền khi chuyển tiền nhầm tài khoản
Cách phòng ngừa và xử lý khi bị lừa đảo qua tài khoản ngân hàng
Sử dụng các dịch vụ bảo mật của ngân hàng
Trước hết, hãy đảm bảo rằng thiết bị của bạn luôn được cài đặt và cập nhật phiên bản mới nhất của phần mềm bảo mật, hệ điều hành của ngân hàng. Bạn có thể đăng ký nhận cảnh báo qua email hoặc tin nhắn khi có hoạt động giao dịch trên tài khoản.
Ngoài ra, một số ngân hàng hiện nay còn nâng cấp một số tính năng bảo mật nổi bật như: Đăng nhập và giao dịch bằng smart OTP; Xác thực người dùng bằng định danh eKYC trực tuyến hoặc bạn có thể thực hiện khóa thẻ online tạm thời như ngân hàng số Timo để bảo vệ tài khoản.
>> Xem thêm: Cách hủy, đóng, khóa tài khoản ngân hàng
Không chia sẻ thông tin tài khoản, mật khẩu cho người khác
Thay đổi mật khẩu định kỳ cho tất cả các tài khoản ngân hàng và dịch vụ tài chính khác liên quan để nâng cao tính bảo mật. Đồng thời, tuyệt đối không được chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm như số tài khoản, mã PIN, thông tin thẻ tín dụng qua điện thoại, email hoặc tin nhắn. Ngân hàng không bao giờ yêu cầu thông tin này qua các kênh không an toàn.
Liên hệ ngân hàng ngay khi phát hiện giao dịch lạ trên tài khoản
Khi phát hiện các giao dịch lạ trên tài khoản, hãy liên hệ ngay với ngân hàng của bạn thông qua số hotline hoặc đến chi nhánh ngân hàng gần nhất để để thông báo về sự cố. Đồng thời, bạn hãy yêu cầu ngân hàng tạm ngừng tất cả các giao dịch trên tài khoản của bạn và khoá thẻ để ngăn chặn các giao dịch lừa đảo tiếp tục xảy ra. Ngân hàng sẽ hỗ trợ bạn trong việc kiểm tra và giải quyết tình hình.
Báo cáo với cơ quan chức năng để xử lý vụ việc
Báo cáo sự cố cho cơ quan chức năng như cơ quan cảnh sát hoặc cơ quan quản lý ngân hàng. Bạn hãy cung cấp thông tin chi tiết về sự việc, bao gồm các giao dịch không xác định, các thông tin liên quan đến lừa đảo và bất kỳ chứng cứ nào bạn có thể có để phục vụ cho việc điều tra.
Hy vọng thông qua những thông tin được chúng tôi chia sẻ trong bài viết này có thể giúp ích cho bạn trong việc phòng ngừa và xử lý bị lừa đảo qua tài khoản ngân hàng.
Đừng quên mở tài khoản ngân hàng số Timo online nhanh chóng để trải nghiệm công nghệ eKYC tiên tiến định danh trực tuyến vô cùng tiện lợi và bảo mật cao ngay hôm nay.